Hạ canxi máu – Không đơn giản chỉ do khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày của mình thiếu canxi gây ra đâu ạ.

Chắc hẳn anh chị mình đã ít lần nghe qua về bệnh này rồi, với nhiều tên gọi khác nhau như tuột canxi, thiếu canxi hay hạ canxi đường huyết/hạ canxi máu. Dù gọi là gì thì bản chất của bệnh vẫn là phản ánh tình trạng nồng độ canxi trong cơ thể đang thấp hơn mức bình thường cần thiết. Kiểm tra bằng con số thì hạ canxi máu được kết luận là khi nồng độ canxi huyết thanh toàn phần thấp hơn 8.8 mg/dl (2.2 mmol/l) với điều kiện protein huyết tương bình thường, hay nồng độ canxi ion hóa dưới 4.7 mg/dl (1.17mmol/l).

Những con số này mình phải test với thiết bị mới ra. Nhưng mình ở nhà thì vẫn có thể tự chẩn đoán nhanh thông qua các biểu hiện được cơ thể phát đi tín hiệu như sau:

– Ở trẻ em: Ngủ gà ngủ gật, chậm chạp; bỏ bú, chán ăn; co rút cơ; co giật, run…

– Ở người lớn: Co thắt cơ, chuột rút, co giật, rối loạn nhịp tim, rối loạn cảm giác bàn tay/bàn chân, đau thắt bụng, trầm cảm…

– Trường hợp hạ canxi máu cấp (còn gọi là cơn Tenani) là khi nồng độ canxi máu dưới 7 mg/dl (< 1.75mmol/l), khi đó người bệnh có các dấu hiệu nghiêm trọng đặc trưng bao gồm: Dị cảm ở môi, lưỡi, đầu chi, dấu bàn đạp (bàn chân duỗi như đạp xe), đau cơ toàn thân, co giật các cơ mặt.

Ngay khi nhận ra tình trạng thiếu canxi của cơ thể, sau khi kiểm soát nhanh các biểu hiện cấp tính và nhận tư vấn điều trị từ bác sĩ, anh chị hãy bình tĩnh tự suy xét thêm xem mình đang là nguyên nhân nào trong các nguyên nhân dẫn đến bệnh, tại vì vẫn là câu nói “mình là bác sĩ tốt nhất cho chính mình”, anh chị biết rõ bệnh trạng của mình thì tự khắc sẽ có sự phối hợp tốt hơn trong việc chữa trị và tất nhiên sẽ có hiệu quả hồi phục cao hơn.

Vậy thì, có các nguyên nhân dẫn đến hạ canxi máu như sau:

(1) Không cung cấp đủ canxi cơ thể cần (tức là chế độ dinh dưỡng hàng ngày của chúng ta nạp vào quá ít canxi tự nhiên hoặc bổ sung).

(2) Suy tuyến cận giáp (do thiếu hormone cận giáp PTH, xuất phát từ rối loạn tự miễn dịch, hoặc do phẫu thuật cắt bỏ/tổn thưởng tuyến cận giáp).

(3) Thiếu hụt và phụ thuộc vitamin D (do chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin D tự nhiên hoặc bổ sung; ít tiếp xúc ánh nắng; giảm hấp thụ vitamin D do bệnh gan mật hoặc do rối loạn hấp thu đường ruột; thay đổi trong chuyển hoá vitamin D do thuốc như phenytoin, phenobartital, nitampin; hoặc do giảm đáp ứng của các cơ quan đích với vitamin hoạt động)

(4) Bệnh lý tại thận (bệnh suy thận/tổn thương trực tiếp tế bào thận; bệnh ống thận, bao gồm toan hóa ống lượn gần mắc phải do các chất độc thận và toan hóa ống lượn xa làm mất canxi qua thận và làm giảm chuyển hóa của vitamin D sang dạng hoạt động 1,25 (OH)2D)

(5) Nguyên nhân khác (viêm tuỵ cấp, hạ protein máu, thiếu magnesium, Nhiễm trùng huyết, tăng tiết calcitonin, tăng phản ứng tạo chelat trong lòng mạch, tăng phosphate máu, do thuốc, tăng lắng canxi ngoài lòng mạch,…)

Tóm tắt lại: Để điều trị và phòng tránh hạ canxi máu, anh chị mình hãy (1) chú ý cung cấp đầy đủ lượng canxi và vitamin D cơ thể cần mỗi ngày; (2) đồng thời hết sức chú ý bảo vệ sức khoẻ tổng quát của cơ thể, ở đây là các cơ quan liên quan như thận, gan, tuỵ, giáp vả ruột. Để từ đó, xây dựng một cơ thể khoẻ mạnh, đầy đủ canxi ạ.

—–

Link tham khảo:

https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-nội-tiết-và-chuyển-hóa/rối-loạn-điện-giải/hạ-canxi-máu

https://www.vinmec.com/vi/benh/ha-canxi-mau-3185/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *