Do có khách hàng bị bệnh cao huyết áp nên Trang đã có một số tìm hiểu về lời khuyên giảm ăn mặn trong điều trị bệnh này, để qua đó Trang sẽ có thông tin trao đổi với khách hàng được tốt hơn. Qua tìm hiểu, Trang thấy nhiều anh chị đã giảm ăn mặn theo chỉ dẫn của bác sĩ bằng cách chỉ giảm ăn muối (giảm dùng muối hạt trong nấu ăn), và như vậy là chưa đủ, vì thành phần chính tạo nên vị mặn này lại đến từ Natri, một khoáng chất quan trọng và cũng là một nguyên tố hoá học phổ biến đang có mặt trong nhiều sản phẩm thực phẩm hơn chúng ta nghĩ.
Vì vậy, có thể nhiều anh chị khách hàng đã bỏ sót điều khác biệt này. Nên hôm nay, Trang xin chia sẻ lại những thông tin Trang đã tìm hiểu được như bên dưới, để anh chị cùng tham khảo, và mong rằng mọi người sẽ có được sức khoẻ ngày càng cải thiện hơn.
——-
Giảm ăn mặn = giảm ăn muối không chưa đủ, vì thực chất là chúng ta cần giảm nạp Natri vào cơ thể. Anh chị lưu ý nhé.
Trước tiên, mặc dù các từ muối và natri thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng chúng không có nghĩa giống nhau. Muối (còn được gọi natri clorua) là một hợp chất giống như tinh thể, phổ biến trong tự nhiên. Trong khi đó, natri là một khoáng chất, là một chất điện giải, là một nguyên tố hóa học có trong muối và là yếu tố chính trong muối ăn làm tăng nguy cơ về bệnh cao huyết áp.
Cơ chế gây tăng huyết áp của thành phần Natri khi ăn nhiều muối cơ bản như sau:
– Làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào đối với Natri, ion Na+ sẽ được chuyển vận nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, co mạch, tăng sức cản ngoại vi và gây tăng huyết áp.
– Làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm (do ăn nhiều muối kết hợp bị stress), từ đó làm tăng tái hấp thu natri ở ống thận. Ion Na+ được vận chuyển nhiều vào trong tế bào cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và gây tăng huyết áp.
– Có thể gây thiếu yếu tố nội tiết thải muối (ở người bị tăng huyết áp sẵn có). Natri bị tích tụ lại trong cơ thể, ion Na+ được vận chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và gây tăng huyết áp.
– Làm tăng độ nhạy cảm của hệ thống tim-mạch và thận đối với Adrenaline – một chất gây tăng huyết áp.
Vì là một khoáng chất phổ biến với rất nhiều ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp chế biến thực phẩm, nên ngoài có mặt trong muối ăn, Natri còn có mặt trong rất nhiều sản phẩm khác bao gồm phụ gia thực phẩm thông thường (bột ngọt, muối nở, chất bảo quản thực phẩm, các loại muối nêm, nước chấm,…) hoặc thực phẩm chế biến sẵn/đóng hộp (dưa chua, giò, chả, bơ mặn, xúc xích, thịt nguội,…),…
Vậy nên, để kiểm soát hiệu quả nguy cơ tăng huyết áp do dùng nhiều natri, bên cạnh việc giảm dùng muối ăn thì anh chị mình hãy có thêm thói quen đọc nhãn dinh dưỡng của những sản phẩm thực phẩm đóng gói/chế biến sẵn để từ đó giảm hàm lượng natri nạp vào cơ thể mỗi ngày.
Trong giới hạn bài viết ngắn ngủi, Trang chỉ chọn ra những ý chính để chia sẻ cùng anh chị, các thông tin liên quan khác, ví dụ như hàm lượng muối ăn, natri cần thiết cho cơ thể mỗi ngày, hoặc biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp lên hệ thống tim mạch, thận,… thì anh chị có thể tham khảo thêm ở những link bổ sung bên dưới nhé.
Thương chúc anh chị sẽ lựa chọn được những nguồn thực phẩm tốt, có lợi cho sức khoẻ của bản thân và những người thân yêu!
———————
Link tham khảo:
https://www.vinmec.com/…/man-lien-quan-nao-toi-tang…/
http://viendinhduong.vn/…/hay-quan-tam-den-thanh-phan…